Eden in the East

Đặt lại vấn đề nguồn gốc người Việt

Nhân đọc “Eden in the East”: Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn

Hỏi một người Việt bình thường về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, câu trả lời mà người ta thường nghe là tổ tiên của chúng ta xuất phát từ Trung Quốc. Ngay cả người có kiến thức rộng, có quan tâm đến dân tộc và văn hóa Việt cũng có những ý kiến tương tự. Đào Duy Anh, trong Việt Nam Văn hóa Sử cương; và Trần Trọng Kim, trong Việt Nam sử lược, cũng từng cho rằng người Việt có nguồn gốc hoặc từ Trung Quốc [1] hay từ Tây Tạng [2] dù họ có chút dè dặt và thận trọng trong phát biểu. Gần đây, một người làm chính trị nhưng có quan tâm đến văn hóa Việt Nam, Nguyễn Gia Kiểng, trong Tổ quốc ăn năn, cũng cho rằng nước Văn Lang xưa kia là do người Trung Quốc sáng lập [3] ra.
Có lẽ cái quan điểm dân tộc Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc đã ăn sâu vào tâm trí của chúng ta, nên văn minh Việt Nam cũng được nghiễm nhiên suy luận là bắt nguồn từ văn minh Trung Quốc. Quan điểm này phù hợp với sách vở của Trung Quốc. Chẳng hạn như trong Hậu Hán thư , các sử gia của Trung Quốc, với một giọng văn cực kỳ trịch thượng và kỳ thị chủng tộc, viết rằng tổ tiên ta ngày xưa giống như loài “cầm thú”, xã hội thì chẳng có tôn ti trật tự gì cả, phải đợi đến khi hai quan thái thú của họ là Tích Quang và Khâm Diên dạy cho tổ tiên ta cách ăn mặc và cách trồng lúa. Sau đó các nhà sử học này thản nhiên kết luận: “Miền Lĩnh Nam theo phong hóa Trung Quốc là bắt đầu từ hai thái thú ấy” [4].
Điều thú vị [hay đáng trách] là nhận xét này đã được giới có học của Việt Nam tiếp nhận và lấy làm một thứ kinh điển, một câu văn giáo khoa, mà không có một chất vấn tính trung thực, hay thách thức tính khoa học của nó [5]. Tính dễ dãi chấp nhận sử liệu ngoại bang của giới có học ngừơi Việt đã vô tình gieo vào lòng nhiều người Việt một tâm lý tự ti, đánh giá thấp nền văn hóa Việt Nam khi so sánh với các nền văn hóa khác, như của Trung Hoa chẳng hạn. Đại diện cho sự đánh giá thấp này thì có nhiều, nhưng một câu phát biểu trong Tổ quốc ăn năn của Nguyễn Gia Kiểng tưởng tóm lược khá đầy đủ: "[…] chúng ta có lẽ là nền văn minh phù sa muộn nhất. […] dấu ấn của nền văn minh phù sa: cần cù, nhẫn nại, nhưng thủ cựu, thiếu sáng kiến và thiếu óc mạo hiểm. […]" [6] . Từ nhận định đó, tác giả của TQĂN cho rằng tổ tiên của chúng ta qua nhiều ngàn năm, tuy sống bên cạnh biển, mà chỉ nhìn biển với cặp mắt sợ hãi, không sáng chế ra ra kỹ thuật hàng hải nào cả.
Thực ra, chẳng riêng gì giới trí thức Việt Nam, ngay cả một phần lớn trong giới sử học Tây phương cũng từng quan niệm, hay nói đúng hơn là giả định, rằng các nền văn minh Đông Nam Á (kể cả của Việt Nam) chỉ là những chi nhánh của hai nền văn hóa lớn hơn: Trung Hoa và Ấn Độ. Giả định này đã được dùng như là một sử liệu, một thuyết đáng tin cậy để dạy học cho học sinh (trong đó có cả học sinh người Việt); và một cách vô tình, nó được lưu truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác như là một sự thật ! Bởi vì qua nhiều năm, chẳng ai chất vấn lý thuyết này, nên một cách nghiễm nhiên, nó được xem là một “thuyết chính thống.”
Mãi đến thập niên 60s thuộc thế kỷ 20, một số nhà khảo cổ học rất uy tín (phần lớn là Mỹ), dựa vào nhiều kết quả của một loạt nghiên cứu ở Việt Nam và Thái Lan, đã bắt đầu chất vấn sự chính xác và tính logic của thuyết chính thống trên đây [7]. Có thể nói họ là những “con cừu đen” trong giới tiền sử học, vì đã can đảm thách thức một quan điểm mà đại đa số đồng nghiệp đều mặc nhiên công nhận. Nhưng họ không phải là những người đơn độc. Gần đây, đã có một số nhà nghiên cứu từ Việt Nam, Thái Lan, và Nam Dương công bố nhiều dữ kiện khảo cổ học cho thấy rằng thuyết văn hóa Đông Nam Á xuất phát từ văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ không còn đứng vững nữa.
Nhưng trong những nhà nghiên cứu chuyên môn này, chưa ai trình bày dữ kiện một cách có hệ thống và nghiên cứu một cách sâu xa bằng một nhà nghiên cứu “tài tử” là ông Stephen Oppenheimer trong cuốn sách "Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia" (tạm dịch là "Thiên đàng ở phương Đông: Lục địa chìm đắm của Đông Nam Á) [8]. Trong tác phẩm này, qua những dữ kiện dồi dào được thu thập một cách công phu từ nhiều ngành nghiên cứu khác nhau, Oppenheimer trực tiếp thách thức cái thuyết chính thống, và làm thay đổi những quan niệm về thời tiền sử mà chúng ta từng hiểu và từng được dạy. Đặc biệt, cuốn sách đặt trọng tâm vào việc thẩm định lại các quan điểm về văn minh vào thời tiền sử ở Đông Nam Á, tác giả cho rằng:
a. Trận đại hồng thủy [9] tương tự như trong Kinh Thánh là có thật và xảy ra vào cuối thời đại Băng hà (Ice Age).
b. Trận đại hồng thủy này xảy ra khoảng 8000 năm về trước làm chìm đắm lục địa Đông Nam Á, và làm cho dân chúng phải di tản đi các vùng đất khác để sống. Họ chính là những người gầy dựng nên nền văn hóa Tân Đồ Đá (Neolithic cultures) của Trung Quốc, Ấn Độ, Mesopotamia, Ai Cập và vùng đông Địa Trung hải, và do đó, họ là những người cha đẻ và vun đắp các nền văn minh vĩ đại ở phương Tây.
c. Những dân tộc thuộc quần đảo Polynesian không phải xuất phát từ Trung Quốc, nhưng có nguồn gốc từ Đông Nam Á.
d. Người Trung Quốc không phải là người sáng chế ra kỹ thuật trồng lúa. Khoảng 9,000 đến 10,000 năm về trước, một số dân thuộc vùng Đông Nam Á đã là những nhà canh nông chuyên nghiệp đầu tiên của nhân loại (chứ không chỉ sống bằng nghề săn bắn), họ đã phát triển kỹ thuật trồng khoai và qua đó làm một cuộc cách mạng nông nghiệp.
Nói một cách khác cho rõ ràng hơn, qua công trình nghiên cứu này, Oppenheimer đề xuất một thuyết cho rằng Đông Nam Á là cái nôi của văn minh nhân loại ngày nay. Thuyết này thể hiện một thách thức rất lớn đến các tri thức về thời tiền sử đã và đang được lưu truyền trong giới khoa bảng. Và do đó, Oppenheimer đã, lần đầu tiên, đặt vùng Đông Nam Á vào vị trí xứng đáng của một vùng đất thường bị lãng quên bên cạnh hai nền văn minh lớn là Trung Hoa và Ấn Độ.
Vùng đất giàu lịch sử nhưng bị lãng quên
Đông Nam Á là một trong những vùng đất với nhiều sắc dân và nhiều nền văn minh phong phú nhất và cổ nhất của nhân loại. Về mặt địa lý, có hai khu vực riêng biệt: một khu thuộc về đất liền và một khu thuộc về hải đảo. Khu vực đất liền thực ra gồm hai bán đảo: khu rộng lớn bao gồm Miến Điện (ngày nay gọi là Myanmar) thuộc hướng Đông Bắc, Thái Lan ở giữa, và Lào, Cam-bốt, và Việt Nam thuộc hướng Đông và Đông Nam; và khu nhỏ hơn bao gồm bán đảo Mã Lai, chạy dài từ Thái Lan xuống tận Miến Điện.
Miến Điện có nhiều chùa chiền được kiến trúc một cách phi thường, nhiều lâu đài được chạm khắc rất tinh vi. Ở miền Bắc Thái Lan cũng còn lưu lại nhiều công trình kiến trúc vĩ đại mang đậm ảnh hưởng của Phật giáo. Vịnh Hạ Long thuộc phía bắc Việt Nam trồi lên những tác phẩm thiên nhiên như được chạm bằng đá vôi, mà có lẽ từng là một vùng lục địa khoảng mười ngàn năm trước đây. Cổ Loa, một huyện nhỏ của Việt Nam ngày nay, có lẽ là một trung tâm đô thị (hay một thành phố) đầu tiên của vùng Đông Nam Á, với niên biểu được ước đoán vào khoảng niên kỷ thứ ba trước Dương lịch. Những công trình kiến trúc ở Huế và Đà Nẵng cho thấy sự tương phản giữa hai nền văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Thành phố Huế, tuy lâu đời hơn, nhưng có nhiều công trình kiến trúc trẻ hơn, thành phố Đà Nẵng, nơi mà nhiều tháp Chàm còn lưu lại như những dấn ấn của văn minh Ấn Độ. Cam-bốt có đền Angkor Wat nối tiếng, và nhiều dấu vết của một nền văn minh sáng chói trước đây. Ai là người đã xây dựng những công trình này? Trong Thiên Đàng ở Phương Đông, Oppenheimer chứng minh rằng chính những người dân địa phương đã xây dựng những công trình đồ sộ này. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ chỉ qua thương mại, chứ không phải qua xâm lăng.
Với một lịch sử lâu đời và nhiều nền văn minh phong phú như thế, song Đông Nam Á lại không được các nhà sử học để ý đến như các vùng đất khác. Đây là một ví dụ về thành kiến của giới sử học Tây phương. Khoảng 200 năm trước đây, các nhà sử học khám phá rằng phần lớn hai họ ngôn ngữ Ấn và Âu (Indian và European) thuộc vào một họ ngôn ngữ mà ngày nay chúng ta gọi là nhóm Ấn-Âu (Indo-European language group). Khám phá này được đánh giá như là một thành quả vĩ đại của tri thức vào thời gian đó. Nhưng mỉa mai thay, trước đó vài năm, người ta đã phát hiện ra một nhóm ngôn ngữ khác, có tên là Austronesian, nhưng không đem lại một sự chú ý nào đáng kể trong giới khoa bảng Tây phương cả. Nhóm ngôn ngữ này hiện diện rất rộng, từ các vùng như Madagascar, Đài Loan ngày nay, Hawaii, và Tân Tây Lan, vượt Thái Bình Dương, đến tận Ấn Độ dương khá lâu, có thể trước khi Phật Thích Ca ra đời.
Sách viết về nguồn gốc văn minh thế giới hoàn toàn không đề cập đến Đông Nam Á. Ngay cả khi đề cập đến khu vực này trong vài năm gần đây, các sách cũng chỉ viết một cách sơ sài vài hàng, với giọng văn thiếu nghiêm túc, nhưng lại tập trung vào hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, nhất là vào thời 2000 năm trước đây. Mãi đến thời gian gần đây, văn minh của Thời đại Đồng thiết Đông Sơn (Bronze Age), và các nền văn hóa trước đó (vào niên kỷ thứ nhất trước Dương lịch) của Việt Nam mới được công nhận như là văn minh nguyên thủy trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số lượng nhà khảo cổ học trực tiếp gắn bó và chuyên môn nghiên cứu về các nền văn minh này vẫn còn rất ít, nếu không muốn nói là chỉ “đếm đầu ngón tay”. Trong khi đó, các trung tâm nghiên cứu thuộc các nước trong vùng như Việt Nam, Thái Lan, Nam Dương, v.v. thì lại bị hạn chế về chuyên môn, lẫn thiết bị và tài chính để làm có thể tiến hành những nghiên cứu loại tiền phong.
Khoảng trống lịch sử
Có lẽ vì những lí do kể trên, ngành khảo cổ học, tuy với một bề ngoài mang vẻ chính xác cao, nhưng thực tế thì có khá nhiều khoảng trống. Khoảng trống lịch sử đáng chú ý nhất là quá trình tiến hóa sau thời kỳ nước biển bị dâng cao, và đặc biệt là vào thời kỳ Đồ Đá Mới, khoảng 8000 năm trước đây, nhất là sự lãng quên cho nền văn minh Đông Nam Á, vì thiếu dữ kiện. Thực vậy, ngoài Việt Nam và Thái Lan là hai nước có nghiên cứu khảo cổ tương đối trưởng thành và có khá nhiều dữ liệu gần đây, ở các nơi khác trong vùng, giới khảo cổ học chỉ mới bới đào phần trên mặt của thời đại Đá mới và Đồng thiết (Neolithic và Bronze Age). Cộng thêm vào đó là sự thiếu thốn các văn bản trong thời tiền sử thuộc vùng đất này cũng làm cho việc nghiên cứu thêm nhiều khó khăn. Nhưng dù sao đi nữa, so với các vùng khác trên thế giới, Đông Nam Á vẫn là một địa phương có nhiều thiếu sót về dữ kiện trong thời tiền sử.
Trong "Thiên đàng ở phương Đông," Stephen Oppenheimer đặt một câu hỏi mà ai cũng phải suy nghĩ: người dân vùng duyên hải Đông Nam Á làm gì khi mực nước biển [10] dâng cao làm ngập xứ sở họ vào thời gần Thuộc kỷ pleitoxen? Câu trả lời của Oppenheimer dựa vào ba lý lẽ quan trọng:
i. Thứ nhất, vào thời cao điểm của Thời đại Băng hà (khoảng 20.000 đến 18.000 năm trước đây), Đông Nam Á là một lục địa rộng gấp hai lần Ấn Độ ngày nay, và bao gồm cả phần đất mà người Tây phương thường gọi là bán đảo Đông Dương, Mã Lai Á và Nam Dương. Vào thời đó, Biển Nam (South China sea), Vịnh Thái Lan và Biển Java là một vùng đất khô nối liền các khu vực của lục địa. Theo địa chất học, bán phần của vùng đất bị ngập chìm này được gọi là Thềm lục địa Sunda (tiếng Anh là Sundaland). Vùng đồng bằng của thềm lục địa này bị chìm đắm rộng lớn bằng Ấn Độ ngày nay. Sau Thời đại Băng hà, cuối cùng chỉ còn một số núi rải rác chung quanh quần đảo Mã Lai. Vùng biển nối giữa Hàn Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan mà ngày nay ta gọi là Biển Đông (East China sea) từng là vùng đất liền. Một bằng chứng rất thuyết phục mới nhất (ba năm trước đây) là những công trình xây cất, tòa nhà được kiến trúc rất độc đáo vừa được khám phá dưới lòng biển thuộc Đài Loan.
ii. Thứ hai, Oppenheimer chứng minh rằng khoảng 9,000 đến 10,000 năm về trước, một số dân vùng Đông Nam Á đã là trở thành những nhà canh nông chuyên nghiệp, không chỉ là những người sống bằng nghề săn bắn ban sơ như giới khảo cổ học Tây phương mô tả. Ông trình bày dữ kiện liên quan đến trồng trọt khoai lang (khoai mỡ, yam) và khoai nước (taro) được tìm thấy ở Nam Dương, mà tuổi cỡ 15,000 đến 10,000 trước Dương lịch; kỹ thuật trồng lúa có sắp sỉ tuổi cũng được tìm thấy ở Mã Lai Á.
iii. Thứ ba, dựa vào dữ kiện và các yếu tố địa chất học, Oppenheimer cho rằng vào khoảng 8000 năm trước đây, mực nước biển tăng một cách đột ngột và gây ra một trận đại hồng thủy, và trận lụt vĩ đại này đã làm cho những nhà nông đầu tiên trên thế giới này phải di tản đi các vùng đất khác để mưu sinh. Tuyến đường di cư là theo hướng nam về Úc Đại Lợi, hướng đông đến Thái Bình Dương, và hướng tây đến ấn Độ Dương, và hướng bắc vào vùng đất liền Á châu.
Trong quá trình di cư đến các vùng đất mới, họ đem theo ngôn ngữ, truyền thuyết, quan niệm tôn giáo, kinh nghiệm thiên văn, yêu thuật, và đẳng cấp xã hội đến vùng đất mới. Thực vậy, ngày nay, dấu vết của cuộc di dân trên vẫn còn ghi đậm trong các quần đảo Melanesia, Polynesia và Micronesia; dân chúng những nơi này nói tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Austronesian có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Có lẽ người ta không ngạc nhiên khi thấy trong các dân tộc vùng Đông Nam Á, Trung Đông, Úc châu, và Mỹ châu đều có những câu truyện thần thoại về trận lụt vĩ đại này, và các câu truyện này có độ tương tự rất cao. Điều này chứng tỏ rằng các sắc dân này xuất phát từ một nền văn hóa nguyên thủy. Theo Oppenheimer, những người tỵ nạn này là những hạt giống cho những nền văn minh lớn khác mà sau này được phát triển ở Ấn Độ, Mesopotamia, Ai Cập, và Địa trung hải.
Ngoài phần nghiên cứu về thần thoại và truyền thuyết, Oppenheimer còn dùng một nguồn tài liệu đáng tin cậy nhất và mang tính khoa học và chính xác hơn là di truyền học. Các dữ kiện di truyền học chứng minh rằng các sắc dân trong quần đảo như Tân Guinea, Polynesia, Melanesia, v.v. có cấu trúc di truyền tố giống với các sắc dân thuộc vùng Đông Nam Á ngày nay. Gần đây, còn có một số nghiên cứu di truyền học cho thấy người Hán có nguồn gốc từ Đông Nam Á và có thể cả Bắc Á.
Ông Oppenheimer viết, "Lý thuyết mà tôi trình bày trong cuốn sách này. lần đầu tiên, đặt Đông Nam Á vào trung tâm của các nguồn gốc văn hóa và văn minh. Tôi cho rằng nhiều người phải di tản khỏi vùng duyên hải của họ ở phương Đông vì lụt lội. Những người tỵ nạn này từ đó vung đấp những nền văn minh vĩ đại ở phương Tây."
Một vùng đất văn minh tiến bộ
Theo Oppenheimer, Atlantis của Đông Nam Á, tạm gọi là "Sundaland", bởi vì vùng này là một thềm lục địa Sunda, nơi từng là trung tâm hàng đầu về cuộc cách mạng thời đại đồ đá mới (Neolithic Revolution), bắt đầu phát triển kỹ thuật trồng trọt, dùng đá để nghiền hạt lúa, vào khoảng 24,000 ngàn năm trước đây, tức là trước cả Ai Cập và Palestine khoảng 10,000 năm.
Một loạt khám phá khảo cổ gần đây đã đủ để xét lại thuyết cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đã khai hóa hay truyền bá văn minh cho các nước thuộc vùng Đông Nam Á. Thực vậy, khám phá về hạt lúa ở hang Sakai (miền Bắc Thái Lan) gần đây cho thấy cư dân ở đây đã biết trồng lúa rất xưa, có thể trước cả thời kỳ nước biển dâng cao vào khoảng 8000 năm về trước, ít nhất là từ thiên niên kỷ thứ 6 hay thứ 7 trước Dương lịch. Hệ thống nông nghiệp được tìm thấy ở Nam Dương có niên biểu lâu đời hơn cả thời đại mà những thành tựu được xem là "cách mạng" về trồng lúa ở Trung Quốc. Thực vậy, ở Nam Dương, kỹ thuật về trồng khoai lang và khoai nước được ước đoán có tuổi từ 15000 đến 10000 năm trước Dương lịch. Ở Việt Nam, khám phá ở Phùng Nguyên và bằng kỹ thuật định tuổi dùng Carbon-14 cho thấy tổ tiên ta từng trồng trọt ngũ cốc khoảng 5000 đến 6000 năm trước đây, tức là còn sớm hơn nhiều niên biểu của những thành tựu của người Trung Quốc. Ngoài ra, Nhà khảo cổ học rất uy tín gốc Mỹ, Giáo sư Wilhelm G. Solheim II, trong một loạt nghiên cứu từ 1965 đến 1968, cho thế giới thấy nền văn minh Hòa Bình là nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế giới, khoảng 15,000 năm trước dương lịch. Một Nhà khảo cổ học danh tiếng khác người Úc, Giáo sư Peter Bellwood, đã từng viết rằng quê hương nguyên thủy của cây lúa rất có thể là ở chung quanh vùng Đông Dương - Mã Lai - Miến Điện, vì ở đây khí hậu nhiệt đới là môi trường thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp. Trong Eden in the East, Oppenheimer cũng có kết luận tương tự: thay vào một mô hình cho rằng Trung Quốc là xứ sở nguyên thủy của kỹ thuật trồng lúa, chúng ta lại có một mô hình khác mà trong đó các dân tộc "man di" nói tiếng Nam Á ở Đông Dương dạy người Trung Quốc các kỹ thuật trồng lúa.
Không những trong lĩnh vực nông nghiệp, mà ngay cả trong lĩnh vực kỹ nghệ chế biến, sản xuất, người Đông Nam Á, mà đặc biệt là người Việt Nam, đã phát triển kỹ thuật làm đồ đồng, đồ thiết và đồ gốm khá cao. Về các sản phẩm đồ đồng và thiết, người dân ở vào thời Phùng Nguyên đã từng sản xuất vũ khí, và mức độ sản xuất đã tăng vọt trong thời đại Đông Sơn. Thực vậy, vào thời Phùng Nguyên (tức là lúc thời kỳ khởi đầu của vù Hùng) tỷ lệ vũ khí tìm thấy trong các di vật dưới 1%; nhưng đến thời cuối vua Hùng, tỷ lệ này tăng lên khoảng 50 đến 63%. Nhiều khí giới khai quật gần đây ở Đông Sơn cho thấy cư dân ở đây là từng sản xuất nhiều vũ khí phức tạp (có chạm trổ tinh vi), có thể đánh xa và gây tổn thương hàng loạt cho đối phương. Người Trung Quốc vẫn cho rằng họ là người phát minh ra vũ khí dùng trong chiến trường. Đối chiếu với những khám phá ở Đông Sơn và Phùng Nguyên, xem ra thuyết người Trung Quốc khám phá ra vũ khí đầu tiên không còn vững nữa!
Về đồ gốm, người Việt Nam đã sản xuất nhiều sản phẩm nghệ thuật công phu và thanh tú, và những sản phẩm này không những được bán trong khắp vùng Đông Nam Á, mà còn xuất khẩu qua tận xứ Melanesia. Thị trường xuất khẩu này đã hình thành trước sự ảnh hưởng của Ấn Độ. Các dụng cụ bằng đá tìm được ở Úc châu cũng từ Hòa Bình mà ra: tuổi của các đồ đá này được định là 14000 đến 20000 năm trước Dương lịch. Đồ gốm ở Nhật với tuổi khoảng 10000 năm trước dương lịch cũng xuất phát từ Hòa Bình. Giáo sư Solheim II nhấn mạnh rằng cả hai nền văn minh nổi tiếng của Trung Hoa là Lung Shan và Yang Sao đều xuất phát từ Hòa Bình. Như vậy, từ đồ gốm Phùng Nguyên đến trống đồng Đông sơn, tất cả đều chứng minh nền văn minh Việt Nam thời tiền sử đã đạt tới một trình độ cao trên thế giới. Quan trọng hơn là những phát triển này xảy ra trước thời văn minh Lung Shan và Yang Sao ở Trung Quốc.
Trước, và đặc biệt là trong, thời kỳ nước biển dần dần dâng cao, người Sundaland di dân đến những vùng đất láng giềng: Trung Quốc, Ấn Độ, Mesopotamia, và vài hòn đảo từ Madagascar đến Phi Luật Tân, Tân Guinea, và sau này họ chiếm luôn vùng Polynesia cho đến Hawaii và Tân Tây Lan. Họ là những người thầy ở các vùng đất mới, dạy người địa phương những kỹ thuật trồng trọt và xây dựng. Người Hòa Bình còn truyền bá văn minh nông nghiệp đến nhiều nơi trên thế giới: Nhật, Đài Loan khoảng 4000 năm trước Dương lịch; Phi Luật Tân, Indonesia khoảng 3000 năm trước Dương lịch; Madagasca và Đông Phi châu khoảng 2000 năm trước Dương lịch.
Bắc xuống Nam, hay Nam lên Bắc?
Theo thuyết của Oppenheimer thì người Trung Quốc và Ấn Độ ngày nay có gốc gác từ Đông Nam Á, chứ không phải nguồn gốc của người Đông Nam Á là ở Trung Quốc hay Ấn Độ. Đây cũng là một đảo vòng xoay 180 độ về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Mà, xem ra thuyết của Oppenheimer có nhiều "đồng minh." Một số học giả khác (như Madelaine Colani, J Hornell, P. V. van Stein, Heine Geldern, Bernard Karlgren, N J Krom) cũng cho rằng làn sóng người từ Bắc Việt tràn xuống phía Nam và vào Ấn Độ trước khi vùng này bị giống dân Aryan xâm chiếm. Giáo sư Solheim II căn cứ trên những dữ kiện khảo cổ thì thấy rằng giống người Hoà Bình tràn lan xuống phía nam, lên hướng bắc, và sang hướng tây. Tại mỗi nơi, người Hòa Bình phối hợp với dân địa phương để tạo thành các chủng tộc mới của mỗi vùng.
Mới đây thuyết Bắc-tiến còn có căn cứ khoa học vững vàng (dù lúc viết sách, ông Oppenheimer không biết đến), đó là: trong một bài báo khoa học quan trọng được công bố trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Quốc gia Khoa học Mỹ (một tạp chí khoa học rất uy tín trên thế giới) , một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Texas (Mỹ) và Viện Nghiên cứu Di truyền học Trung Quốc cho thấy nguồn gốc của người Trung Hoa (và cả người Đông Á) rất có thể là do người từ Đông Nam Á di dân lên [11], chứ không phải ở Bắc di dân xuống Nam! Như vậy, cho rằng dân tộc Việt là xuất phát phát từ người Trung Quốc có thể là một ngộ nhận. Phải hiểu ngược lại thì mới đúng !
Một vài nhận xét
Eden in the East là một tác phẩm độc đáo, được soạn thảo rất công phu và khoa học. Điều đáng chú ý là tác giả là một bác sĩ chuyên khoa về nhi đồng, không phải là một nhà khảo cổ học. Tuy nhiên, với khả năng và kiến thức khoa học của tác giả, ông đã tiếp nhận tri thức và xử lý thông tin từ nhiều nguồn như di truyền học, nhân chủng học, thần thoại, văn học dân gian, ngôn ngữ học, hải dương học, và khảo cổ học để cho ra đời một cuốn sách làm cho nhiều nhà nghiên cứu Đông Nam Á học và khảo cổ học phải bất ngờ. Thực vậy, Oppenheimer đã, không những trực tiếp chất vấn, mà còn thách đố, những thuyết mà giới chuyên môn, kể cả các học giả Việt Nam đề ra và chấp nhận như những "chân lý" thời tiền sử. Kể từ ngày xuất bản cuốn sách cho đến nay (khoảng 3 năm), theo tôi biết, chưa một ai trong giới chuyên môn về Đông Nam Á học chất vấn tính khoa học của thuyết mà Oppenheimer đề xuất. Thực ra, tất cả những bài điểm sách (khoảng 20 bài) mà tôi đọc qua không có một bài nào chất vấn cách làm việc hay khoa học tính của tác giả; tất cả đều ngợi khen một cách nồng nhiệt. Có người còn cho rằng đây là một quyển sách quan trọng vào bậc nhất trong ngành Đông Nam Á học!
Đối với người viết bài này, một điểm yếu của quyển sách là những dữ kiện hay bằng chứng liên quan đến các câu chuyện thần thoại. Tác giả cố thuyết phục độc giả bằng cách trình bày mối tương quan giữa các nền văn hóa bằng những câu chuyện thần thoại có motif giống nhau, để từ đó chứng minh cho thuyết của ông (tức là văn minh nhân loại xuất phát từ Đông Nam Á). Tác giả thậm chí còn dùng thống kê học để thẩm định mối tương quan này! Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy những dữ kiện như thế có vẻ hời hợt, và thiếu tính thuyết phục cao. Đành rằng, nhiều nền văn hóa, và đặc biệt là những văn hóa thuộc vùng Á châu - Thái bình dương, có nhiều truyện thần thoại giống nhau, hay ít ra là song song nhau về lụt lội. Đây không phải là những sự ám chỉ tối tăm đến những sự kiện mang tính Freud trong tiềm thức nhưng là những sử kiện rõ rệt liên đới đến những thảm họa khi mực nước biển dâng cao sau thời đại Băng hà. Nhưng phương pháp xác định nguồn gốc của những câu chuyện thần thoại này là một vấn đề.
Tuy nhiên, giữ cái điểm yếu đó trong khi đọc sách, tôi vẫn phải công nhận tác giả đã khảo cứu rất cẩn thận, tiếp thu và xử lý tài liệu rất chuyên môn. Thêm vào đó là lối hành văn trong sáng, và lý luận vững vàng, tác giả đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ lại về nguồn gốc tổ tiên và văn minh của nhân loại ngày nay. Chúng ta cần nhiều tác phẩm loại này hơn nữa trong lĩnh vực khảo cổ học để cho thấy rằng tổ tiên chúng ta không chỉ sáng tạo ra địa cảnh (hay hải cảnh) mà chúng ta đang sống, nhưng địa cảnh và hải cảnh cũng tạo ra chúng ta.
Tóm lại, nhiều khám phá khảo cổ học mới đây, và nhất là cuốn sách Eden in the East, đã nhanh chóng đưa vùng đất bị lãng quên của Đông Nam Á vào một nơi trang trọng của bản đồ thế giới, và là cái nôi của văn minh nhân loại ngày nay. Và qua những khám phá này, chúng ta đã có dữ kiện để đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam, chất vấn những thuyết mà ta từng được dạy và từng tin như là những chân lý. Chúng ta có bằng chứng để phát biểu rằng trước khi tiếp xúc với người Hán từ phương bắc (Trung Quốc) đến, tổ tiên chúng ta đã tạo dựng nên một nền văn minh khá cao, nếu không muốn nói là cao nhất trong vùng Đông Nam Á. Đô thị cổ xưa nhất trong vùng là do tiền nhân của chúng ta xây dựng. Tổ tiên chúng ta là những nhà kỹ thuật giỏi, đã biết sản xuất vũ khí để đánh giặc, đã đúc được những trống đồng tinh xảo để truyền lại những ý tưởng và triết lý cho hậu duệ, và cũng có thể nói họ cũng là những nghệ sĩ tài ba, ham thích múa hát và thổi kèn. Tổ tiên chúng ta đã phát triển và ứng dụng kỹ thuật trồng lúa trước người Hán, hay là những người thầy dạy cho người Hán trồng lúa (chứ không phải ngược lại.) Và có thể tổ tiên chúng ta cũng chính là tổ tiên của người Trung Quốc ngày nay. Đã đến lúc phải trả lại sự thực và danh dự cho tổ tiên chúng ta.
Nguyễn Văn Tuấn
------------------------------
( Các lý giải cụ thể và khoa học cho các nhận định trên của TG, Doremon post trong bài 9 , mời các bạn xem tiếp để có thể hoàn toàn yên tâm về tính minh bạch và đáng tin cậy của những nhận định ấy [^_^] ).
------------------------------
Chú thích:
1. Trong Việt Nam Văn hóa Sử cương (Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh tái bản năm 1992), ở trang 24-25, Đào Duy Anh viết: "Nay ta hãy căn cứ vào sự nghiên cứu của các nhà sử học, nhất là các vị giáo sư ở trường Viễn Đông bác cổ, mà xem gốc tích của dân tộc ta như thế nào. Có người cho rằng tổ tiên ta phát xuất từ Tây Tạng, sau theo lưu vực sông Nhị mà di cư xuống miền trung châu Bắc Việt. Nhưng theo ông Aurousseau dẫn chứng có điều rất kỹ càng thì tổ tiên ta lại là người nước Việt ở miền hạ lưu sông Dương Tử, sau bị nước Sở (đời Xuân thu) đánh đuổi phải chạy xuống miền nam ở miền Quảng Đông, Quảng Tây, rồi lần lần đến Bắc Việt và phía Bắc Trung Việt. Theo nhiều nhà nhân chủng học hiện thời thì ở thời thượng cổ, giống người Indonesian bị giống Aryan đuổi ở Ấn Độ mà tràn sang bán đảo Ấn Độ Chi-na, làm tiêu diệt giống người thổ trước đầu tiên ở đây là giống Melanesian rồi một phần trong đám di dân ấy đi thẳng mãi sang Nam Dương quần đảo, còn một phần ở lại Ấn Độ Chi-na, ở phía nam thành người Chiêm Thành và Cao Man sau đồng hóa theo văn hóa Ấn Độ, ở phía bắc thì hỗn hợp với giống Mông Cổ ở Trung Hoa xuống mà thành người Việt Nam."
2. Trong Việt Nam Sử Lược (Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục xuất bản, Sàigòn, 1971), ở trang 5, Trần Trọng Kim viết: "Theo ý kiến những nhà kê cứu của nước Pháp, thì người Việt Nam và người Thái đều ở miền núi Tây Tạng xuống. Người Việt Nam theo sông Hồng Hà lần xuống phía Đông nam, lập ra nước Việt Nam ta bây giờ; còn người Thái thì họ theo sông Mê-kông xuống, lập ra nước Tiêm la (tức là Thái Lan) và các nước Lào.
3. Lại có nhiều người Tàu và người Việt Nam nói rằng nguyên khi xưa đất nước Tàu có giống Tam Miêu ở, sau giống Hán tộc (tức người Tàu bây giờ) ở phía Tây Bắc đến đánh đuổi người Tam Miêu đi, chiếm giữ lấy vùng sông Hoàng Hà lập ra nước Tàu, rồi dần dần xuống phía nam, người Tam Miêu phải lẩn núp vào rừng hay là xuống ở miền Việt Nam ta bây giờ.
4. Những ý kiến ấy là theo lý mà suy ra đó thôi, chứ cũng chưa có cái gì làm chứng cho đích xác. Chỉ biết rằng người Việt Nam ta trước có hai ngón chân cái giao lại với nhau, cho nên Tàu mới gọi ta là Giao Chỉ; mà xem các loài khác, không có loài nào như vậy, thì tất ta là một loài riêng, chứ không phải là loài Tam Miêu."
5. Trong Tổ quốc ăn năn (Paris, 2001), ở trang 122, Nguyễn Gia Kiểng viết: " … cuộc Nam tiến của người Trung Hoa đến Quảng Đông, Quảng Tây thì khựng lại vì gặp bức tường núi gần 100 cây số. Chỉ có một số ít người vượt được núi, hợp với thổ dân mà tạo ra nước Văn Lang."
6. Sách Hậu Hán thư (tức sử của Trung Quốc) chép: "Phàm đất thuộc bộ Giao Chỉ, tuy đã đặt quận, huyện, nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, nhưng ngôn ngữ vẫn khác nhau, phải có thông ngôn mới hiểu. Người như cầm thú, không phân biệt trưởng ấu (tức không có tôn ti trật tự), búi tóc ở gáy, đi chân không, lấy vải quấn qua đầu làm áo. Sau đó những người tội phạm Trung Quốc đến ở lẫn với họ, mới biết ngôn ngữ dần dần thấy hóa theo lễ. Đến thời Quang Vũ Trung Hung, Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm thái thú Cử Chân, bấy giờ mới dạy cho dân biết cày cấy, biết đội mũ đi giày, đặt mối lái, dân mới biết hôn nhân, dựng học hiệu dạy lễ nghĩa …"
7. Trong một cuốn băng video ca nhạc mang tựa đề "Cây đa, bến cũ" do Trung tâm Thúy Nga thực hiện và phát hành, người diễn đọc (Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn) lập lại câu văn của Hậu hán thư và phát biểu rằng Quan thái thú Nhâm Diên là người đã dạy cho dân Việt Nam cách trồng lúa.
8. Trích Tổ quốc ăn năn (Paris, 2001) của Nguyễn Gia Kiểng, trang 306.
9. Về các bài báo khoa học mang tính tiền phong trong ngành khảo cổ học ở Đông Nam Á, xin xem những bài sau đây: (i) "On the improbability of Austronesian origins in South China," của Giáo sư William Meacham, đăng trong Tạp san Asian Perspectives, quyển 25, năm 1984-5; (ii) "The nusantao and North-South dispersals," của Giáo sư Wilhelm G. Solheim II, in trong "Indo-Pacific Prehistory Association Bulletin," quyển 2, năm 1996; (iii) "Southeast Asia and Korea: from the beginings of food production to the first states," cũng của Giáo sư Solheim II, in trong "The History of Humanity: scientific and cultural development," quyển I: "Prehistory and the Beginning of Civilization," do UNESCO/Routledge (London) xuất bản năm 1994. Ngoài ra, độc giả có thể tham khảo thêm các bài báo tiếng Việt liên quan đến đề tài này của Tác giả Cung Đình Thanh trên Tạp san Tư Tưởng số 3, 4, và 7.
10. Sách "Eden in the East: the Drowned Continent of Southeast Asia," của Stephen Oppenheimer, Nhà xuất bản Phoenix (London), 1998. Sách khổ 13 x 20 cm, dày 560 trang, kể cả 47 trang tài liệu tham khảo và 28 trang bảng danh mục, chữ loại nhỏ (Times cỡ 8). Giá đề 15 đô-la Canada, hoặc 9 sterling Anh.
11. Theo sách Genesis, và theo truyền thuyết của nhiều nền văn minh cổ, ngày xưa có xảy ra một số trận lụt vĩ đại (hay đại hồng thủy) phủ ngập cả trái đất. Huyền thoại về lụt nổi tiếng nhất là câu chuyện về Noah, một giáo trưởng, được của Thượng đế, xây dựng một chiếc thuyền lớn tên là Ark để gia đình ông ta và mọi sinh vật có thể sống sót qua cơn lụt.
Về các phân tích di truyền học, có thể tham khảo các bài báo khoa học sau đây:
(i) "Genetic relationship of populations in China", của Bài báo của Giáo sư J. Y. Chu và đồng nghiệp thuộc Trường Đại học Texas, đăng trên Tập san Proceedings of the National Academy of Science (USA) 1998; số 95, trang 11763-11768
(ii) "Khám phá mới di truyền học về nguồn gốc con người ở Đông Nam Á," của Nguyễn Đức Hiệp, đăng trên Tạp san Tư Tưởng, số 7, năm 2000, trang 9-13
(iii) “Y-chromosome evidence for a northward migration of modern humans into Eastern Asia during the last Ice age” của B. Su và đồng nghiệp, đăng trên Tạp san American Journal of Human Genetics, năm 1999, số 65, trang 1718-1724.


0 comments:

Leave a comment

toppage